Breaking News

Bài học ý nghĩa về tiền bạc

Những người ưa thích du lịch hẳn là không ai không biết đến một nhân vật đã đi du lịch vòng quanh thế giới. Đó chính là Jason Vitug (người Mỹ). Những người biết đến Jason Vitug không chỉ vì ngưỡng mộ vì những trải nghiệm của anh mà đó còn là những bài học về tiền bạc mà anh đã chia sẻ khi lập ra website Phroogal - cộng đồng chuyên giải đáp thắc mắc của mọi người về tài chính cá nhân.

Bài học ý nghĩa về tiền bạc

Ý tưởng thành lập website này đến với Vitug sau chuyến du lịch 21 quốc gia. Những bài học về tiền bạc Vitug đã thu nhặt được trong suốt hành trình của mình được tổng hợp như sau:

1. Làm gì cũng phải đặt mục tiêu đầu tiên

"Tất cả mọi thứ đều bắt đầu từ ý tưởng trong đầu bạn", Vitug cho biết trên Business Insider. Dù đó là chuyến đi vòng quanh thế giới, mục tiêu trả nợ 80.000 USD học phí hay nợ thẻ tín dụng. "Mục tiêu cần phải rõ ràng. Tôi đã lên kế hoạch đi 20 nước trong 12 tháng, và tôi thậm chí đã vượt con số này mà không bị mắc nợ", anh nói.

2. Sau đó là lên kế hoạch

Mục tiêu sẽ chẳng là gì nếu nó cứ mãi được ủ trong đầu mà không có kế hoạch thực hiện. Với bất kỳ công việc nào, bạn cũng cần phải lên kế hoạch từ trước. Điều này sẽ giúp bạn chủ động hơn trước các tình huống có thể xay ra. Hơn nữa, có kế hoạch sẽ giúp bạn luôn theo sát mục tiêu.

3. Cứ hỏi người khác nếu không biết

"Tôi học được rất nhiều điều giá trị khi hỏi thăm người dân địa phương và các bạn đồng hành. Tôi biết đâu là nơi ăn uống tốt nhất, nhà trọ rẻ nhất và địa điểm đẹp mà ít khách nhất. Nói chung là, ai cũng nhiệt tình giúp đỡ", Vitug nói.

4. Lập ngân sách

Trước khi đi du lịch, Vitug chưa bao giờ lập ngân sách chi tiêu. Nhưng việc chỉ có 10.000 USD để đi du lịch cả năm, thay vì mua nhà trả góp như trước đây, đã dạy anh cách hoàn thành mục tiêu với tài nguyên sẵn có. "Điều quan trọng là biết được mình muốn sống như thế nào, và cần tiêu bao nhiêu tiền để đạt mục đích đó", anh nói.

5. Luôn theo sát lượng tiền ra vào

Khi đã có mục tiêu, lên kế hoạch, lập ngân sách, bạn cần phải biết mình đang ở đâu nữa. "Biết được mình đang chi bao nhiêu cho tiền trọ, leo núi, thức ăn giúp tôi luôn chủ động được tài chính", Vitug nói.

"Tôi luôn mặc cả hoặc tìm nơi bán giá hời để tiết kiệm. Chi phí trong gia đình cũng vậy. Nếu bạn không nắm rõ mình đang trả bao nhiêu tiền cáp, điện thoại, hay thậm chí không biết đang nợ bao nhiêu trong thẻ tín dụng, bạn sẽ không nhận ra các cơ hội khác tốt hơn đâu", anh cho biết.

6. Tiền mặt là số một

Tiền mặt không chỉ tiện lợi cho việc chi tiêu mà hơn thế nữa, nó còn giúp cho bạn mặc cả dễ dàng hơn. Bạn sẽ hông phải trả nợ bất cứ khoản nợ nào cho thẻ tín dụng của mình. Lý do là khi chi tiêu bằng tiền mặt, bạn sẽ ước chừng được số lượng mình sẽ tiêu tùy thuộc vào lượng tiền có trong tay và tất nhiên, nếu bạn không đủ tiền thì sẽ chẳng ai bán cho bạn mặt hàng đó. Nhưng với thẻ tín dụng thì khác, bạn sẽ tha hồ mua sắm, tiêu tiền mà không cần quan tâm tới số dư trong đó.

7. Luôn chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp

Trong cuộc sống và trong công việc, mọi điều bất trắc và tình huống bất ngờ có thể xảy đến với bạn. Khi đó, việc chuẩn bị những đồ dùng cần thiết sẽ nhanh chóng giúp bạn thoát khỏi rắc rối. Ví dụ, bạn cần nhớ phải luôn đem theo giấy tờ tùy thân khi đi du lịch, nhất là du lịch xa,...

Tài chính cá nhân cũng vậy, hãy luôn dành ra một khoản để dự phòng. Vấn đề không phải là nó có xảy ra hay không, mà chỉ là khi nào thôi.

8. Không phải ai cũng nghĩ cho lợi ích của bạn

"Khi đi du lịch, bạn sẽ bị rất nhiều người lợi dụng. Tôi đi taxi từ sân bay về mất gấp 3 lần bình thường, chỉ vì tôi là người Mỹ", Vitug cho biết.

Điều quan trọng là bạn phải biết người ta đang bán gì. Nếu bạn không hỏi đúng câu hỏi, bạn sẽ phải trả nhiều tiền hơn. Trong tài chính cũng vậy, hãy đọc cẩn thận từng chữ trong hợp đồng, và hỏi cho đến khi bạn hiểu hoàn toàn.

9. Biết sự khác biệt giữa cái muốn và cái cần

Trước khi Vitug đi du lịch, anh không thể ngừng biến "cái muốn" thành "cái cần". "Tôi cần một chiếc xe để đi làm. Tôi muốn có BMW. Thỉnh thoảng, câu này lại biến thành Tôi cần một chiếc BMW để đi làm", anh nói.

Tuy nhiên, khi bắt đầu chuyến đi, anh giảm cái cần của mình xuống chỉ còn 2 thứ: thức ăn và chỗ ở, dù là ăn ở ven đường hay ngủ ở lều tre. "Nếu bạn không thể phân biệt giữa mong muốn và nhu cầu, bạn sẽ chẳng bao giờ chi trả đủ cho cuộc sống của mình", anh nói. Và thế là từ khi quay về Mỹ, anh vẫn chưa mua chiếc ôtô nào cho mình.

10. Hiểu rằng thế nào mới là giàu có

"Một số người ở các nước tôi ghé qua chỉ kiếm được 100 USD mỗi tháng. Họ phải trả tiền nhà, tiền điện nước, thức ăn, nhưng vẫn có tiền tiết kiệm mỗi tháng", Vitug chia sẻ.

Khi nghĩ đến cuộc sống trước đây của mình - ngập trong nợ nần dù đang làm lãnh đạo cho một công ty tín dụng, anh nói: "Tôi đúng là nghèo. Dù làm ra nhiều tiền, cũng có lúc tôi mắc nợ nhiều hơn cả thu nhập. Tôi chẳng có tài sản hay tiền tiết kiệm. Của cải không phải là bạn làm ra bao nhiêu, mà là sử dụng nó như thế nào. Đó là cái còn lại sau khi đã trừ hết chi phí và nợ nần", anh nói.

Những bài học về tiền bạc của Vitug đã nhận được những phản ứng tích cực không chỉ của fanspage mà còn là của bất cứ ai khi tiếp xúc và đón đọc nó. Hy vọng đó cũng là những thông tin, bài học hữu ích cho các bạn trẻ trong cuộc sống để quản lý và sử dụng tiền bạc một cách hợp lý nhất. Đó cũng là cách làm giàu cho bản thân hiệu quả.

Bài đăng phổ biến